Chung tay giảm thiểu tổn hại cho trẻ
VHO- Tình trạng các đối tượng lừa đảo gọi điện cho phụ huynh thông báo con họ đang cấp cứu trong bệnh viện, cần chuyển tiền để bác sĩ mổ gấp nổi lên thời gian qua có một phần nguyên nhân từ việc cha mẹ thích “khoe” bảng điểm, bằng khen của con lên mạng xã hội.
Dạy kỹ năng sống để bảo vệ trẻ em trong cuộc sống và trên môi trường mạng
Cứ mỗi dịp cuối học kỳ, cuối năm học, các phụ huynh lại thi nhau “bốt” bảng điểm, bằng khen, giấy khen… của con mình lên “phây” mà không che những thông tin cá nhân, vô tình là lỗ hổng để kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, hôm qua 18.5, Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) phối hợp với Tổ chức Childfund tổ chức Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tại Ba Vì, Hà Nội. Với chủ đề Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em, nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện, Hội nghị đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Tại Hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước là những tổn hại lớn nhất ở trẻ. Thống kê cho thấy, bạo lực trẻ em đang có xu hướng tăng lên trong những tháng đầu năm 2023, đặc biệt xảy ra trong khu vực trường học so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng cuộc gọi đến Đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 tăng gần 11%. Trong đó, xâm hại tình dục đang có xu hướng giảm (tương đồng với số vụ án của Bộ Công an thụ lý, xác minh, giải quyết), nhưng bạo lực thể chất lại tăng lên. “Có thể nguyên nhân là sau giãn cách xã hội, trẻ em đi học trở lại, sự giao tiếp gia tăng… Hy vọng đây chỉ là tình trạng nhất thời sau biến động xã hội của dịch Covid-19”, ông Đặng Hoa Nam nhận định.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị tổn hại trên mạng xã hội đối với trẻ em cũng ngày càng gia tăng, diễn ra ở mọi khu vực, từ đô thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo… Nguyên nhân một phần do thông tin cá nhân của trẻ bị rò rỉ, phát tán trên mạng, đôi khi đến từ chính bố mẹ, người chăm sóc trẻ khi đăng ảnh, thông tin của trẻ lên mạng xã hội, diễn đàn… một cách vô tư, không kiểm soát mà không ngờ tới những tác động ảnh hưởng đến trẻ trong tương lai.
Lấy ví dụ về việc tình trạng đối tượng lừa đảo gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị cấp cứu trong bệnh viện cần chuyển tiền để bác sĩ mổ gấp vừa nổi lên vừa qua. Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, nhiều người đặt câu hỏi về vai trò quản lý của cơ quan bảo vệ trẻ em như thế nào? Ông Nam cho rằng, đây không phải là vụ việc liên quan đến trẻ em mà là lợi dụng trẻ em để lừa đảo. Tuy nhiên, vấn đề là đối tượng lừa đảo lấy thông tin của trẻ em ở đâu để gọi điện cho bố mẹ? Chính là từ những bằng khen, bảng điểm, hay những hình ảnh mà vô tình bố mẹ đã chia sẻ trên mạng xã hội.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chia sẻ, sai lầm phổ biến nhất của phụ huynh là cho rằng: Nội dung khiêu dâm chỉ có trên các website khiêu dâm. Nhưng trên thực tế, nội dung này có ở khắp mọi nơi và trẻ có thể dễ dàng tiếp cận được. Theo số liệu khảo sát, 23% trẻ em cho biết các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng, có thể là từ nội dung quảng cáo hoặc mạng xã hội, hoặc đối tượng gửi link trang web khiêu dâm qua các bình luận. “Vì vậy, việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả, trẻ cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả hơn với khả năng chặn lọc ở bất kỳ trang web nào và bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, vì việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp nên hầu như không có công cụ chặn lọc hỗ trợ cho video, đặc biệt là đối với các trình duyệt và ứng dụng. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc chỉ cho trẻ em video từ các nguồn uy tín như YouTube Kids, đồng thời kết hợp sử dụng các công cụ lọc nội dung để bảo vệ trẻ tối đa”, bà Đinh Thị Như Hoa nói.
Cũng theo bà Hoa, độ tuổi trung bình trẻ sở hữu điện thoại là 9, trong khi độ tuổi trung bình khi trẻ được trao đổi về an toàn trên mạng là 13 tuổi nên có khoảng trống về nhận thức, kiến thức, kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ trong giai đoạn này.
Các đại biểu đến từ Bộ Công an, Bộ TT&TT, tổ chức ChildFund Việt Nam, Công ty an ninh mạng SCS... chia sẻ và bàn các giải pháp để “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” đã khẳng định, trẻ em của chúng ta đang phụ thuộc vào không gian mạng rất nhiều. Thực tế cho thấy, môi trường mạng cung cấp nhiều tiện ích để trẻ em phát triển cả về khía cạnh giải trí và học tập. Tuy nhiên, trên thực tế, môi trường mạng khá nguy hiểm đối với trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ cần bảo vệ con từ xa, tạo lập môi trường sống tốt cho con trong thế giới “ảo” không biên giới.
“Bảo vệ trẻ em trách nhiệm chủ yếu là địa phương, phân cấp là chủ tịch UBND, HĐND có thẩm quyền phân bổ nguồn lực, gồm ngân sách và nhân lực. Tuy nhiên, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình vẫn là quan trọng vì không ai có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn họ. Trong dịp hè sắp tới, khi thiếu vắng sự quản lý của nhà trường, nếu gia đình không quan tâm sẽ gia tăng tổn hại cho trẻ kể cả ngoài đời và trên môi trường mạng. Hiện nay có nhiều ứng dụng giúp các nhà quản lý, phụ huynh chặn, lọc, gỡ những nội dung độc hại, lấn át những thông tin tốt cho trẻ”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.
NGUYỆT MINH